Ở bất cứ nhà hàng, quán ăn, một buổi tiệc lớn hay một bữa ăn nhỏ ngay tại gia đình, cũng dễ dàng bắt gặp hình ảnh thức ăn thừa bị bỏ đi. Do đó, sự ra đời của mô hình “Nhà hàng chia sẻ” phục vụ tại nhà hàng, chuyển tận tay cho những người dân có hoàn cảnh khó khăn những suất cơm chất lượng là một chương trình đầy ý nghĩa.
Nhân viên phục vụ trao tận tay người lao động khó khăn phần cơm giá 0 đồng từ “Nhà hàng chia sẻ”. |
Những phần cơm ý nghĩa
Vào trưa thứ bảy hằng tuần, “Nhà hàng chia sẻ” mở cửa phục vụ thực khách với những suất ăn bảo đảm chất lượng, dinh dưỡng, giá chỉ từ 0 đến 2.000 đồng. Mỗi phần ăn gồm cơm, rau xào, món mặn, canh, tráng miệng. Phần lớn thực khách của quán là người dân có hoàn cảnh khó khăn, người lao động nhập cư sẽ được nhận miễn phí hoặc có thể quyên góp tùy tâm từ 1.000 đến 2.000 đồng để ủng hộ quỹ. Ngay buổi khai trương đầu tiên, 500 suất cơm đã được “Nhà hàng chia sẻ ” bán hết. Mô hình này do Ngân hàng thực phẩm – Food Bank Việt Nam thực hiện cùng các đối tác. Chủ tịch Food Bank Việt Nam Nguyễn Tuấn Khởi, cho biết: Mô hình “Nhà hàng chia sẻ” ra đời và được triển khai từ việc tận dụng địa điểm tại các nhà hàng chưa phục vụ khách vào buổi sáng; huy động nguồn thực phẩm sạch từ các nhà hảo tâm và nấu các suất ăn miễn phí. Hoạt động này sẽ duy trì thường xuyên vào trưa thứ bảy hằng tuần và số lượng các suất ăn sẽ tăng dần theo nhu cầu của người dân. Hiện địa điểm triển khai mô hình này đặt tại một nhà hàng trên đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh). Không chỉ phục vụ tại chỗ, “Nhà hàng chia sẻ” còn có thùng cơm di động với nhiều khu vực khảo sát có nhu cầu sử dụng thực phẩm đã được lựa chọn, trong đó có ít nhất gần 20 trường hợp người già yếu ở một mình không thể nấu ăn, tới các viện dưỡng lão, mái ấm, nhà mở,… cũng được chuyên chở đến tận nơi. Ông Nguyễn Hồng Duy (45 tuổi) – một lao động nhập cư ở khu vực Bình Thạnh tâm sự: “Mô hình “Nhà hàng chia sẻ ” như thế này, thực sự rất tốt, giúp những người lao động còn khó khăn như tôi có được bữa cơm trưa tươm tất. Rất mong sẽ có nhiều nhà tài trợ, có nhiều phần cơm đến được với bà con có hoàn cảnh khó khăn”.
Tránh lãng phí thực phẩm
Xuất phát từ mô hình hoạt động của quán cơm dã chiến, hỗ trợ thực phẩm cho mọi người khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 năm 2020, mô hình “Nhà hàng chia sẻ” đã đến với người lao động, người dân khó khăn. Ðây là hoạt động nằm trong dự án của Food Bank Việt Nam năm 2021. Ngoài mục đích mang đến những phần cơm đầy dinh dưỡng cho người lao động khó khăn, mô hình “Nhà hàng chia sẻ” còn mang một ý nghĩa cao cả hơn. Ðó là, phát huy tinh thần chia sẻ và chống lãng phí thực phẩm trong cộng đồng, hỗ trợ thực phẩm cho người khó khăn: người vô gia cư, người lao động nghèo, người già và trẻ em không có khả năng lao động,… và rất nhiều đối tượng yếu thế khác trong xã hội. Ông Nguyễn Tuấn Khởi hy vọng, mô hình này sẽ nhận được sự ủng hộ của các tình nguyện viên, các nhà hàng ủng hộ mặt bằng để triển khai được nhiều điểm hơn, hướng tới mục tiêu phục vụ người dân vào những ngày cố định: “Hiện nay, người lao động khó khăn mưu sinh trên các vỉa hè rất nhiều, số người lao động có thu nhập thấp cũng nhiều, trong khi một suất cơm trung bình hiện nay từ 25.000 đến 30.000 đồng cũng quá so với thu nhập của họ. Chúng ta có điều kiện để chia sẻ, tôi nghĩ đó là sự động viên rất lớn và những người lao động nghèo cũng đón nhận rất nồng nhiệt”, ông Khởi chia sẻ.
Năm 2021, mô hình “Nhà hàng chia sẻ” của Food Bank Việt Nam đặt mục tiêu liên kết với hơn 200 nhà hàng trên toàn thành phố cùng tham gia hoạt động chống lãng phí thực phẩm và chia sẻ nguồn thực phẩm chất lượng đến tay người khó khăn trong xã hội.
Theo Báo Nhân dân