Không chỉ khởi động và điều hành năm căn bếp yêu thương mỗi ngày cung cấp khoảng 10 nghìn suất ăn miễn phí cho người dân nghèo và các khu vực phong tỏa, cách ly, mới đây, anh Nguyễn Tuấn Khởi (Giám đốc Ngân hàng thực phẩm Việt Nam – Food Bank Việt Nam) còn linh động đặt một chiếc tủ lạnh “0 đồng” ngay vỉa hè để người có đến chia sẻ, còn người nghèo đến mang về.
Anh Nguyễn Tuấn Khởi (bên trái) đang chuẩn bị những túi thực phẩm cho vào tủ lạnh. |
Từ bếp ăn tiếp sức đến “tủ lạnh cộng đồng”
TP Hồ Chí Minh bước vào đợt dịch thứ 4 với những chuyển biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến thu nhập, nhịp sinh hoạt của người dân, đặc biệt là các gia đình khó khăn. Cũng như những đợt dịch trước, lần này, anh Khởi tiếp tục kêu gọi hơn 200 tình nguyện viên và đông đảo nhà hảo tâm cùng chung sức tạo các bếp ăn yêu thương để cung cấp bữa ăn miễn phí. Thế nhưng, thời gian giãn cách xã hội kéo dài, số người cần hỗ trợ tăng mạnh, nguồn thực phẩm vận động được bắt đầu cạn kiệt. Rồi TP Hồ Chí Minh áp dụng chỉ thị mới, việc phát cơm, trao quà phải tính toán thật kỹ để tránh tình trạng tập trung đông người. Khi đó, anh Khởi tự hỏi: Tại sao mình không đặt một chiếc “tủ lạnh cộng đồng” ngoài đường để người nghèo có thể tới lấy phần thực phẩm vừa đủ về tự nấu theo ý mình?
Vậy là chiếc tủ lạnh xanh với dòng chữ “Nếu bạn thiếu, hãy lấy tự nhiên. Nếu bạn đủ, hãy góp một chút nhé” ra đời. Chỉ vài ngày sau khi đưa vào hoạt động chiếc tủ lạnh đã nhận về hơn 150 tấn rau, củ, quả và trứng từ nhiều nguồn đóng góp trong cộng đồng. Ban đầu, tủ chỉ hoạt động mỗi ngày vài giờ, đến nay đã hoạt động 24/24 giờ. “Điều khiến tôi ấm lòng là đêm đầu tiên để tủ lạnh ngoài đường, sáng hôm sau mở ra thấy ngập tràn trứng gà. Nhiều người đã âm thầm đến gửi quà tặng cho những mảnh đời khó khăn trong giai đoạn dịch dã thế này thật đáng quý. Vào giờ tan tầm, nhiều người cũng tranh thủ ghé đến gửi tặng chút rau củ rồi lên xe rời đi. Nhìn thấy người ta nhận hộp cơm, phần rau củ để có bữa no, tôi thấy mọi thứ mình nỗ lực là xứng đáng” anh Khởi mở lòng.
Không chỉ tặng rau, củ, quả, trứng gà theo hình thức tự chọn, tại điểm đặt “tủ lạnh cộng đồng”, anh Khởi còn cùng các tình nguyện viên nấu mấy trăm suất cơm với đủ thịt, cá, rau, canh gửi tặng người nghèo. Để có những hộp cơm nóng hổi trao tận tay người nghèo lúc 11 giờ trưa, từ sáng sớm, các tình nguyện viên đã có mặt tại bếp để sơ chế rau củ, thịt, cá và nấu nướng cùng nhau. Nhà cạnh “Bếp yêu thương” ở quận Bình Thạnh, cả tuần nay, cứ gần 7 giờ sáng là bà Nguyễn Thị Tuyết lại sang phụ nấu cơm, nhặt rau, gọt bí… Hôm rồi, bà còn bỏ tiền túi trao tặng 400 phần gạo cho người bán vé số, ve chai, tật nguyền tại nơi mình ở vì thấy thương. Bà Tuyết chia sẻ: “Dịch kéo dài ai cũng khổ, mình giúp được gì thì đừng nề hà. Giờ chỉ mong sớm hết dịch để bà con đi làm kiếm tiền chớ mấy nay thấy nhiều người khổ mà xót ruột”.
Mong lan tỏa mô hình
Nơi anh Khởi đặt “Tủ lạnh cộng đồng” và “Bếp yêu thương” tại quận Bình Thạnh là nhà hàng của anh Trần Quý Lợi, Giám đốc điều hành Công ty Thực phẩm Việt Lợi. Năm 2020, anh Lợi đã cho anh Khởi mượn mặt bằng, dụng cụ chuyên dụng, nguyên liệu và nhân sự để thực hiện bếp ăn dã chiến đầu tiên trong chuỗi hoạt động cơm “0 đồng” trong mùa dịch của Food Bank Việt Nam. Thế nhưng, dịch bệnh kéo dài đến nay chưa kết thúc, tình hình kinh doanh của nhà hàng ngày càng khó khăn. “Nguồn lực giờ đã hạn hẹp, nhưng khi nghe anh Khởi khởi động lại chương trình ý nghĩa trong đợt dịch này, tôi quyết định vẫn tiếp tục đồng hành. Sài Gòn không thiếu tình thương nên dù khó khăn thì chúng ta vẫn muốn chia sẻ, đùm bọc lẫn nhau”, anh Lợi cho hay.
“Tủ lạnh cộng đồng” đầu tiên tạo được hiệu ứng tốt, anh Khởi đang lên kế hoạch cho bước lan tỏa tiếp theo. Điều Giám đốc Food Bank Việt Nam mong muốn là đẩy mạnh tính tự quản của mô hình này để tạo ra kênh trao đổi, hỗ trợ thực phẩm nhịp nhàng giữa người cần cho và người muốn nhận. Anh đang tích cực kết nối để sớm nhân rộng “Tủ lạnh cộng đồng” tới những điểm có sẵn để bảo đảm tính trật tự, an toàn trong quy trình hoạt động. Ở giai đoạn tiếp theo, anh Khởi sẽ phối hợp để sớm đưa hàng loạt “Tủ lạnh cộng đồng” vào các chung cư tại TP Hồ Chí Minh nhằm tạo thói quen chia sẻ, trao đổi thực phẩm giữa các cư dân, hạn chế tình trạng lãng phí thức ăn.